Những bức xạ tia cực tím (UV) từ mặt trời được biết là nguyên nhân chính gây ra ung thư da, nhưng cũng đồng thời là nguồn cung cấp vitamin D dồi dào cho cơ thể. Chúng ta cần tránh các nguy cơ bệnh ung thư da do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời nhưng vẫn phải duy trì và cân bằng lượng vitamin D đầy đủ cho da. Vì thế, nếu chống nắng một cách hợp lý thì nguy cơ thiếu vitamin D hoàn toàn thấp.
Vitamin D là gì?
Vitamin D sẽ được cung cấp cho cơ thể khi làn da tiếp xúc với tia UV từ ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua một số thực phẩm.
Cơ thể chúng ta luôn cần vitamin D để duy trì một sức khỏe tốt và dẻo dai, đồng thời giữ cho xương khớp và cơ bắp phát triển khỏe mạnh.
Cần bao nhiêu ánh nắng mặt trời để giúp cho xương khỏe mạnh?
Theo nghiên cứu cho biết, nguồn vitamin D tốt nhất là bức xạ UVB từ mặt trời. Mức độ bức xạ tia UV sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí, thời gian, độ che phủ của mây và môi trường.
Đối với hầu hết mọi người, nồng độ vitamin D sẽ được cung cấp một cách tự nhiên thông qua các hoạt động hàng ngày và tiếp xúc ngẫu nhiên với ánh nắng. Trong mùa hè, đa số chúng ta đều có thể duy trì mức độ vitamin D đầy đủ nếu vùng da mặt, cánh tay và bàn tay được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Liều lượng ánh nắng mặt trời bạn cần phụ thuộc vào các mùa trong năm, thời gian trong ngày, nơi bạn sống, màu da, và các yếu tố khác. Theo quy luật chung, nếu bạn không thiếu vitamin D thì tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không có vật che nắng khoảng 20 phút một ngày vào mùa xuân, hè, và thu lên mặt, cánh tay, cẳng chân là đủ. Nên nhớ rằng, việc bộ phận nào của cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không gây ảnh hưởng gì. Nhiều người muốn bảo vệ khuôn mặt, vì thế, chỉ cần không dùng vật che nắng lên các bộ phận được tiếp xúc 20 phút là được.
Khi nào tôi cần chống nắng?
Chúng ta cần chống nắng cho da khi chỉ số tia UV đạt ngưỡng từ 3 trở lên. Khi mức độ bức xạ tia UV cao, chống nắng là điều vô cùng cần thiết. Theo chuyên gia da liễu – bà Jennifer Gordon (Đến từ trường Đại học Northwestern – Mỹ), các tia cực tím UVA từ mặt trời có thể dễ dàng xuyên qua kính cửa sổ và thậm chí quần áo mỏng. Chúng sau đó sẽ gây tổn thương sâu tới da, ảnh hưởng tới các tế bào liên kết như: collagen và elastin. Đó chính là lúc bạn phải hứng chịu tác động xấu lên lên da như: xuất hiện các nếp nhăn, mụn, nám, sạm hay tàn nhang…Ngoài ra, nên tránh ánh nắng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì đây là thời điểm các tia UV đạt trên ngưỡng 3 và hoạt động mạnh nhất.
Làm thế nào để biết thêm thông tin về chỉ số tia UV ?
Để kiểm tra mức độ hoạt động của tia UV và thời gian cần thiết để bảo vệ da từ ánh nắng mặt trời, bạn có thể theo dõi Cảnh báo về mức UV của SunSmart (SunSmart UV Alert) trong phần tin thời tiết trên các trang web của Cục Khí tượng tại www.bom.gov.au.
Ai dễ bị thiếu hụt vitamin D?
Không may, một số người hầu như không có khả năng hấp thụ và duy trì nồng độ vitamin D cần thiết cho cơ thể thông qua sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Vì thế, họ sẽ dễ có nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Những đối tượng này bao gồm:
- Những người da đen tự nhiên - họ cần được tiếp xúc với tia cực tím nhiều hơn để sản xuất đủ lượng vitamin D...
- Những người "đặc biệt" bảo vệ da vì lý do văn hóa, tôn giáo...
- Những người già hay ở trong nhà.
- Những trẻ sơ sinh có mẹ bị thiếu hụt vitamin D (đặc biệt là những đứa trẻ bú sữa mẹ).
- Những bệnh nhân bị loãng xương.
Nhìn chung, mọi người nên hiểu được tầm quan trọng của vitamin D và nhanh chóng tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn kỹ càng khi cơ thể bị thiếu vitamin D.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét